Hàn Quốc - Tấm biển "Không cho phép các ajumma" và "Chỉ phụ nữ có học thức, thanh lịch mới được phép vào" tại một phòng gym ở Incheon đang gây tranh cãi.

Bên dưới các tấm bảng cấm cửa còn in đậm một danh sách tiêu chí để phân biệt các Ajumma (bà thím) với phụ nữ khác, gồm: lúc nào cũng đòi miễn phí, nói những lời thô lỗ, chiếm ghế ưu tiên trên các phương tiện giao thông công cộng, đến quán cà phê chỉ gọi một cốc rồi xin thêm cốc khác, vứt rác bừa bãi trong nhà vệ sinh công cộng, tiết kiệm tiền của mình nhưng lại phung phí của người khác, trí nhớ và khả năng phán đoán kém nên thường xuyên lặp lại một câu chuyện.

"Ajumma" là từ chỉ phụ nữ ngoài 30 tuổi, đã lập gia đình nhưng thường dùng để chỉ những người có hành động thô lỗ, bất lịch sự. Từ này có ý nghĩa miệt thị, chỉ trích và không được người Hàn Quốc khuyến khích sử dụng ở nơi công cộng.

Phụ nữ trẻ trẻ tại một phòng tập ở Hàn Quốc. Ảnh: Yahoo

Phụ nữ trẻ trẻ tại một phòng tập ở Hàn Quốc. Ảnh: Yahoo

Chủ phòng gym giải thích buộc phải treo tấm biển này vì chịu quá nhiều thiệt hại từ các Ajumma.

"Họ dành một hoặc hai giờ trong phòng thay đồ để giặt quần áo, lấy trộm các khăn tắm, xà phòng hoặc máy sấy tóc. Họ để nước nóng chảy trong một hoặc hai giờ, khiến hóa đơn tiền nước tăng gấp đôi", chủ phòng tập nói.

Xem thêm: Hút mỡ bụng cấy mông có an toàn không

Anh cũng cho biết họ ngồi thành hàng và bình luận, đánh giá cơ thể của người khác, đặc biệt là phụ nữ trẻ. Không ít những cô gái đã bỏ phòng tập vì những lời bình luận như vậy.

Câu chuyện nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội. Điều ngạc nhiên là rất nhiều bình luận đồng tình. "Những 'bà thím' thô lỗ thực sự rất mệt mỏi", một người nói. "Tôi hoàn toàn hiểu cho chủ phòng gym. Họ đặt đồ lên máy chạy bộ để giữ chỗ rồi bỏ đi nói chuyện ở nơi khác. Họ túm tụm ở thảm ăn uống, nói to, lên mặt với người khác", một người khác bình luận.

Bên cạnh đó, vẫn có những ý kiến phản đối cách hành xử của chủ phòng tập. "Có những khách hàng như vậy bất kể tuổi tác hay giới tính", "Đây rõ ràng là sự phân biệt đối xử dựa trên giới tính", "Một ngày nào đó tôi cũng sẽ là một phụ nữ trung niên và điều này kinh khủng".

Bình luận về vụ việc lùm xùm này, giáo sư tâm lý Park Sang-hee của ĐH quốc gia Chungbuk cho rằng chủ phòng gym và một số người Hàn Quốc mang tư tưởng "trọng nam khinh nữ" khi dùng từ Ajumma. "Những đàn ông trung tuổi cũng có thể hành xử kém cỏi nơi công cộng giống phụ nữ. Tại sao họ không bị chỉ trích?", ông Park nói.

Việc hạn chế một số khách hàng nhất định không vi phạm luật pháp Hàn Quốc. Các chủ doanh nghiệp thường xuyên hạn chế khách hàng, như có thể thấy ở các cơ sở có biển cấm người lạ, trẻ em, người già hoặc vật nuôi.

Chủ phòng tập cũng cho biết không phải cố gắng chủ đích đưa ra bình luận căm thù đối với phụ nữ lớn tuổi hay phụ nữ nói chung. "Tôi nghĩ những người tức giận trước thông báo trên thực tế là những người có vấn đề", ông chủ phòng gym nói.